TIN TỨC XÃ HỘI

TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI
[ Cập nhật vào ngày (21/03/2024) ]


       Để chủ động phòng, chống bệnh Dại phát sinh và hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ngày 18/03/2024, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành công văn số 1108/SYT-NVY về việc triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị mắc bệnh dại gần như tử vong 100%. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận 22 người tử vong do bệnh Dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng đột biến của bệnh Dại xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh, thành phố trước đây không có ca bệnh hoặc đã lâu không ghi nhận ca bệnh.

Năm 2023 , theo thống kê của Bộ Y tế có 82 người chết do bệnh Dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (~17%). Nguồn lây truyền chủ yếu dẫn đến tử vong là do bị các động vật: Chó (80%), Mèo (18%), Dơi (0,1%) và các động vật khác như chuột,khỉ (1%).

Nguyên chủ yếu gây tử vong do Dại trên người là do động vật nghi Dại cắn không được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đúng quy định, 81/82 các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau khi bị cắn, 01 trường hợp có tiêm vắc xin nhưng không tiêm vắc xin kháng dại. Bên cạnh đó tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh, thành phố chỉ đạt ~10%.
   Bệnh dại nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Để chủ động phòng, chống bệnh dại người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Trên động vật:

Tiêm phòng vắc xin dại: Đây là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống bệnh dại. Cần tiêm phòng đầy đủ cho tất cả chó, mèo nuôi từ 2 tháng tuổi trở lên, mỗi năm tiêm 1 lần.

Quản lý chó, mèo:

- Nuôi chó, mèo phải xích, nhốt, không thả rông.

- Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông; đồng thời phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

- Khai báo với chính quyền địa phương về số lượng chó, mèo nuôi.

- Giám sát sức khỏe chó, mèo thường xuyên.

Xử lý khi có chó, mèo nghi mắc bệnh dại:

- Bắt giữ, nhốt riêng chó, mèo nghi mắc bệnh dại.

- Báo cáo ngay cho cơ quan thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Trên người:

- Rửa tay ngay bằng xà phòng và nước sạch sau khi bị chó, mèo cắn, cấu, hoặc tiếp xúc với nước bọt của chúng.

- Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn Povidine hoặc cồn 70 độ.

- Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.

- Đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

3. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức:

- Tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ, cách thức lây truyền và các biện pháp phòng chống bệnh dại.

- Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo.

4. Phối hợp liên ngành:

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành y tế, thú y, nông nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác phòng chống bệnh dại.

- Tổ chức các đợt tiêm phòng vắc xin dại tập trung cho chó, mèo.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại.




Tổ CTXH




Tìm kiếm

tin tức & sự kiện


Đơn vị trực thuộc

Thư viện ảnh