Thông tin dược

VỊ THUỐC ĐỖ TRỌNG
[ Cập nhật vào ngày (15/04/2024) ]


VỊ THUỐC ĐỖ TRỌNG

 

Đỗ trọng là một vị thuốc quý đã được các Danh y sử dụng từ lâu đời, nổi tiếng như một loại thần dược trong điều trị chứng thận hư, đau lưng, đau khớp, thoát vị đĩa đệm. Ngày nay, đỗ trọng vẫn là một thành phần thiết yếu trong bài thuốc trị các chứng bệnh này.

Tính vị: vị ngọt, cay, tính ấm.

Quy kinh: vào 2 kinh can, thận

Đặt điểm tự nhiên

Đỗ trọng là một cây to, có thể cao lên tới 10 - 20m và quanh năm xanh tươi. Liên Xô đã lai tạo cây này thành cây nhỏ cao 3 - 5m để tiện cho việc thu hoạch, lá mọc so le, hình trứng rộng, đầu lá nhọn, gốc lá tròn, mép lá có răng cưa, khi đứt lá làm 2 - 3 mảnh sẽ thấy những sợi nhựa trắng như tơ giữa các mảnh lá đo, phiến lá rộng 3,5 - 6,5cm, dài 13cm. Cuống lá Đỗ trọng ngắn 1 - 1,5cm. Hoa đơn tính, hoa đực hoa cái khác gốc, không có bao hoa. Quả hình thoi dài 3cm, rộng 1cm dẹt, đầu quả xẻ làm 2 thành hình chữ V.

Hoa đỗ trọng (hoa đực) mọc thành chùm

Hoa đỗ trọng (hoa đực) mọc thành chùm

hình ảnh cây đỗ trọng

Hình ảnh lá của cây đỗ trọng – Lá mọc cách, phiến lá hình trứng hơi tròn, mép lá có hình răng cưa

Phân bố, thu hái và chế biến:

Cây Đỗ trọng hiện chưa thấy mọc hoang ở Việt Nam. Năm 1958 đưa giống của Trung Quốc về trồng nhưng chưa thành công. Năm 1965 trồng thử Đỗ trọng bằng hạt tại Hà Nội.

Cây mọc được cả ở những nơi lạnh như Sapa (Lào Cai). Gần đây ở Việt Nam đã trồng nhiều hơn, tuy nhiên số lượng chưa đủ cung cấp theo nhu cầu sử dụng nên hiện nay vị Đỗ trọng chính thức vẫn phải nhập khẩu. Trên thị trường nam Đỗ trọng là vỏ của những cây khác, nên chú ý để tránh nhầm lẫn.

Đỗ trọng được trồng ở Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên...v.v) và ở Liên Xô (miền Nam).

Vào mùa hạ, bóc vỏ ở những cây có đường kính to, ép cho phẳng, xếp thành đống, chờ 6 - 7 ngày cho đổ mồ hôi, mặt trong có màu đen nâu rồi đem phơi khô. Vỏ mỏng, mặt ngoài màu xám, mặt trong đen nâu nhạt, khi bẻ có các sợi trắng như tơ giống như mành mành.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được của Đỗ trọng là vỏ thân.

Đỗ trọng - vị thuốc Đông y cho nhiều bài thuốc quý

Vỏ cây Đỗ Trọng

 

Thành phần hóa học

Đỗ trọng được nghiên cứu nhiều để sử dụng do chất nhựa của nó có tính chất như cao su.

Theo J. Parkin (1921) trong Đỗ trọng có 5% độ ẩm; 2,5% tro, 70% nhựa và 22,5% gutta pecka. Tuy nhiên chất gutta pecka này có tính chất đàn hồi kém gutta pecka tự nhiên, việc chiết xuất lại khó khăn, hiệu suất thu được chỉ 2% trong khi chiết xuất ở các cây khác có gutta pecka hiệu suất thu được cao hơn gấp 2 - 3 lần. Từ sau đại chiến lần thứ 2, Liên Xô trồng rất nhiều Đỗ trọng ở vùng Capcado để lấy chất gutta pecka. Theo nghiên cứu trong vỏ cây Đỗ trọng có 3 - 7% chất có tính chất của gutta pecka, trong lá có 2%, trong quả có 27,34%, ở nhiệt độ 45-700C, Đỗ trọng có tính chất dẻo rất cao, khả năng chịu nước biển và độ cách điện cũng cao do đó dùng làm vật cách điện và để bọc dây điện ngầm dưới biển.

Ngoài chất như gutta pecka trong Đỗ trọng có chứa chất màu, chất albumin, chấc béo, tinh dầu và muối vô cơ.

Trong lá có tanin và nhựa, không có ankaloid. Dù sao hoạt chất cũng chưa rõ.

Công dụng:

Theo y học cổ truyền

Đỗ trọng vị ngọt hơi cay, tính ôn, vào hai kinh can và thận. Tác dụng bổ can, thận, mạnh gân cốt, an thai, dùng chữa đau lưng, đi tiểu nhiều, chân gối yếu mềm.

Theo y học hiện đại

N.V. Sapdinscoi đã nghiên cứu và xác định vị thuốc Đỗ trọng không có độc.

Với liều vừa phải, Đỗ trọng có tác dụng kích thích. Với liều cao có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, nhất là vùng vỏ não. Tác dụng hạ huyết áp do tác dụng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy và trên thần kinh phế vị (nerf vague), tác dụng làm mạnh sự co bóp của cơ tim. Nước sắc Đỗ trọng tăng lượng nước tiểu đối với chuột bạch và tăng sức đối với cơ trơn của sừng tử cung và ruột.

Liều dùng và cách dùng

Trong Bản thảo cương mục có ghi chép: “Bàng Nguyên Anh kể lại: Xưa có người thiếu niên mới lấy vợ bị bệnh yếu chân đi không được, uống các thuốc không khỏi, sau có lương y Tôn Lãm bắt mạch đoán rằng bệnh đó là do thận hư, cho uống Đỗ trọng chỉ trong 10 ngày là khỏi”. Dùng riêng Đỗ trọng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Liều dùng: ngày uống 5 - 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm với rượu.

Tại Liên Xô từ năm 1951 đã công nhận Đỗ trọng là một vị thuốc chính thức để điều trị bệnh cao huyết áp. Dùng dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc rượu Đỗ trọng (20% trong rượu 300ml).

Các món ăn và bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu đỗ trọng

Thịt heo hầm đỗ trọng hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh tọa

Chuẩn bị: Thịt lưng heo lượng vừa đủ và đỗ trọng 30g.

Thực hiện: Đem hầm trong vòng 30 phút, sau đó bỏ dược liệu, ăn thịt và uống nước. Thực hiện liên tục trong 7 – 10 ngày.

 Bài thuốc hỗ trợ điều trị huyết áp cao

Bài thuốc 1: Mẫu lệ sống 20g, tang ký sinh, đỗ trọng mỗi thứ 16g, câu kỷ tử và cúc hoa mỗi vị 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc 2: Thục địa và đơn bì mỗi vị 40g, hạ khô thảo và đỗ trọng mỗi vị 80g. Đem các vị tán bột làm hoàn, mỗi lần dùng 12g, ngày uống từ 2 – 3 lần.

Bài thuốc trị chứng đau lưng do thận hư

Bài thuốc 1: Lộc giác giao 10g, đương quy, câu kỷ tử, thỏ ty tử mỗi vị 12g, nhục quế 8g, phụ tử 6g, đỗ trọng, hoài sơn mỗi vị 16g và thục địa 26g. Dùng các vị sắc uống hoặc tán bột, thêm mật làm hoàn. Bài thuốc này thích hợp với người có thận dương hư.

Bài thuốc 2: Nếu thận âm hư thì dùng đỗ trọng 12g, nhục thung dung 12g, sơn thù 12g, hoài sơn 12g, thỏ ty tử 12g, ngưu tất 12g, câu kỷ tử 16g, sinh địa 16g. Đem sắc uống hoặc trộn mật làm hoàn.

 Bài thuốc chữa chứng đau nhức vùng thắt lưng

Bài thuốc 1: Hạt quýt và đỗ trọng mỗi vị 80g. Đem sao vàng, tán nhỏ và uống cùng với nước muối và rượu.

Bài thuốc 2: Rễ cây câu kỷ tử, tỳ giải và đỗ trọng gia giảm liều phù hợp. Đem sắc cách thủy với rượu và dùng uống mỗi ngày.

Bài thuốc phòng ngừa sảy thai

Chuẩn bị: Ý dĩ (sao), đỗ trọng, tục đoạn, củ gai bánh, ba kíchđương quy, vú bò, cẩu tích, ba kíchthục địa mỗi vị 10g.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

Bài thuốc trị chứng chảy máu não và tai biến do huyết áp cao

Chuẩn bị: Cam thảo 15g, lá sen 15g, đỗ trọng 12g, bạch thược 16g, tang ký sinh, mạch môn và sinh địa mỗi vị 10g.

Thực hiện: Đem sắc và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 7 ngày.

Bài thuốc trị chứng viêm tắc động mạch chi

Chuẩn bị: Phụ tử chế, ý dĩ, đảng sâmngưu tất, hổ cốt, quy bản, hoàng kỳbạch thược, miết giáp, đỗ trọng và sinh địa mỗi vị 16g, hoàng báđan sâm mỗi vị 20g, cam thảo 4g, quế chi, binh lang, trần bì và tế tân mỗi vị 8g, đương quy, hoàng cầm, phục linh, tùng tiết, hồng hoa, uy linh tiên, độc hoạttần giao, đào nhân, mộc qua, và xuyên khung mỗi vị 12g.

Thực hiện: Nấu các vị thành cao, dùng uống hằng ngày.

Lưu ý và Thận trọng khi dùng vị thuốc đỗ trọng

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có âm hư hỏa vượng hoặc người không có can thận hư.

Thực nghiệm cho thấy đỗ trọng có tác dụng hạ áp rõ rệt nhưng trên thí nghiệm lâm sàng thì nhận thấy tác dụng không rõ rệt. Vì vậy bạn cần tránh tình trạng phụ thuộc vào các bài thuốc từ dược liệu này.

Không dùng đồng thời với Xà thoái và Huyền sâm.

Hiện nay trên thị trường có nhiều cơ sở kinh doanh dược liệu kém chất lượng, vì vậy nên thận trọng khi chọn mua đỗ trọng. Bên cạnh đó để đảm bảo tác dụng của dược liệu này, cần thăm khám và hỏi ý kiến thầy thuốc và cơ sở y tế có uy tín trước khi sử dụng.

 




Tổ Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khỏe




Tìm kiếm

tin tức & sự kiện


Đơn vị trực thuộc

Thư viện ảnh

Lịch trực