Thông tin dược

TÁC DỤNG CỦA ĐƯƠNG QUY
[ Cập nhật vào ngày (15/04/2024) ]


 

TÁC DỤNG CỦA ĐƯƠNG QUY

Tính vị: vị ngọt, hơi đắng, tính ấm

Quy kinh: vào 3 kinh tâm, can, tỳ

Đặt điểm tự nhiên

Đương quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 40-80cm, thân màu tím có rãnh dọc. Lá mọc so le, 2-3 lần xẻ lông chim, cuống dài 3-12cm, 3 đôi lá chét; đôi lá chét phía dưới có cuống dài, đôi lá chét phía trên đỉnh không có cuống; lá chét lại xẻ 1-2 lần nữa, mép có răng cưa, phía dưới cuống phát triển dài gần 1/2 cuống, ôm lấy thân. Hoa rất nhỏ màu xanh trắng họp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa. Quả bế có rìa màu tím nhạt. Ra hoa vào tháng 7-8.

đương quy tửu
Đương quy còn có tên là Xuyên quy, Vân quy, thuộc họ Hoa tán

Phân bố, thu hái và chế biến:

Đương quy hiện nay ta vẫn phải nhập của Trung Quốc và Triều Tiên, Ta đã nhiều lần thí nghiệm trồng nhưng mới thành công trong phạm vi nhỏ ở Sapa tỉnh Lào Cai, chưa phổ biến rộng rãi.

Nhưng mới đây chúng ta đã trồng thành công đương quy ở vùng đồng bằng Hà Nội do lợi dụng thời tiết lạnh của mùa rét, tuy nhiên chất lượng thuốc có khác.

Tại Trung Quốc, đương quy được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây.

Hằng năm vào mùa thu gieo hạt, cuối thu đầu đông nhổ cây con cho vào hố ở dưới đất cho qua mùa đông. Mùa xuân lại trồng, đến mùa đông lại bảo vệ. Đến mùa thu năm thứ 3 có thể thu hoạch. Đào rễ về cắt bỏ rễ con, phơi trong nhà hoặc cho vào trong thùng, sấy lửa nhẹ, cuối cùng phơi trong mát cho khô. Trên thị trường người ta còn phân biệt ra quy đầu là rễ chính và một bộ phận cổ rễ; quy thân hay quy thoái là phần dưới của rễ chính hoặc là rễ phụ.

Quy vĩ là rễ phụ nhỏ, Đông y cho rằng tính chất của mỗi bộ phận có khác nhau, nhưng hiện nay tại Trung Quốc cũng đơn giản bớt đi và phần lớn trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu không còn phân biệt nữa. Toàn rễ cái, rễ phụ được gọi là toàn quy.

Bộ phận sử dụng:

Rễ cây đương quy được sử dụng để làm dược liệu.

đương quy bổ huyết

Rễ cây đương quy

Thành phần hóa học

Mốt số thành phần được ghi nhận có trong dược liệu bao gồm:

- 0,2 – 0,4% tinh dầu

- Acid hữu cơ

- Coumarin

- Polyacetylen

- Polysaccharide

- Acid amin

- Sterol

- Vitamin B1, B12, E

- Brefeldin

- Một số nguyên tố vi lượng khác: Nhôm, đồng, kẽm, canxi, crom, magie…

Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền:

Công dụng: Hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, thông kinh, nhuận tràng, tiêu sưng, dưỡng gân.

Chủ trị: Chứng huyết hư trường táo; Kinh nguyệt không đều, đau kinh, tắc kinh. Các bệnh thai tiền sản hậu, đau tê chân tay, tổn thương do té ngã, tâm can huyết hư. Ngoài ra còn kiêm trị nhọt lở loét, khái suyễn.

Theo Y học hiện đại:

- Tác dụng với huyết học: Dịch ngâm từ đương quy có tác dụng làm tăng huyết sắc tố và hồng cầu. Tác dụng này được cho là có liên quan đến hàm lượng vitamin B12 và acid folic có trong dược liệu.

- Tác dụng chống viêm: Nước từ dịch tiết dược liệu có thể làm giảm tính thẩm thấu của huyết quản. Từ đó ức chế các chất gây viêm mà tiểu cầu 5TH sản sinh.

- Tác dụng đối với tử cung: Cồn chiết xuất từ dược liệu có khả năng gây hưng phấn đối với tử cung cô lập. Còn tinh dầu dược liệu lại có tác dụng ức chế tử cung. Khi áp lực của tử cung cao thì đương quy được cho là có thể làm tăng hoạt động co bóp ở cơ quan này.

- Tác dụng tăng miễn dịch: Dược liệu này được nghiên cứu là có thể làm tăng khả năng thực bào của đại thực bào, đồng thời tăng cường chuyển dạng lympho bào.

- Tác dụng lợi tiểu: Nhờ hàm lượng đường mía mà đương quy có được tác dụng làm tăng hưng phấn đối với cơ trơn ruột non và bàng quang.

- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ dược liệu có khả năng ức chế phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn, liên cầu khuẩn tán huyết… Tinh dầu lại có tác dụng ức chế trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, tụ cầu khuẩn vàng…

- Các tác dụng khác: giảm đau, an thần, tăng lưu lượng máu, chống hình thành cục máu đông, làm giãn cơ trơn phế quản, ngăn ngừa glycogen trong gan giảm thấp…

Cách dùng – liều lượng

- Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng đương quy theo nhiều cách khác nhau. Phổ biến nhất là tán bột, sắc, làm hoàn hay làm tinh dầu.

- Liều lượng được khuyến cáo cho một ngày là khoảng từ 5 – 15g. Tuy nhiên, tùy vào từng bài thuốc mà có thể sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Đương Quy

1. Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, mồ hôi chảy mãi không hết

Bài thuốc 1: đương quy 16g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g. Cho tất cả các vị thuốc này vào ấm sắc chung với 600ml nước đến khi còn 200ml thì ngưng. Chia làm 3 lần uống trong ngày và nên uống khi còn ấm.

Bài thuốc 2: đương quy 20g, thục địa 10g, bạch thược 20g, xuyên khung 15g. Đối với phụ nữ sau sinh bị bệnh nhiều có thể cho thêm đậu đen, ngưu tất, can khương, ích mẫu, bồ hoàng, trạch lan rồi sắc lấy nước uống.

tác dụng của sâm đương quy

Dược liệu đương quy được áp dụng trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh

2. Bài thuốc chữa các chứng ngoại cảm, phụ nữ bị nóng rét không khỏi

- Chuẩn bị:  đương quy 4g, bạch truật 4g, bạch linh 4g, bạch thược 4g, sài hồ 4g, bạc hà 4g, chích thảo 4g, chi tử 3g, đơn bì 3g.

- Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm, đổ 1 lít nước vào sắc trên lửa nhỏ trong 20 phút. Bỏ phần bã và chia phần nước thuốc ra làm nhiều lần uống trong ngày.

3. Chữa rong kinh, rong huyết hay sảy thai ra máu không dứt ở phụ nữ

- Chuẩn bị:  đương quy 12g, bạch thược 16g, sinh địa 12g, xuyên khung 8g, a giao 8g, cam thảo 8g, ngải diệp 8g.

- Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm. Đổ 800ml nước vào sắc trên lửa nhỏ. Khi lượng nước còn 200ml là đạt. Chia làm nhiều lần uống trong ngày.




Tổ Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khỏe




Tìm kiếm

tin tức & sự kiện


Đơn vị trực thuộc

Thư viện ảnh

Lịch trực